LỊCH SỬ NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM Đăng ngày: 10:11 14-10-2008 Thư mục: Tổng hợp
ThS. Phạm Hoà Việt
I/ Khái quát lịch sử nghề luật sư Việt Nam :
1. Thời kỳ dựng nước và 1000 năm Bắc thuộc:
Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Con cháu nối 18 đời, trải hơn 2000 năm, chăm ban đức huệ cho dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không xảy ra chinh chiến, dân không gian dối, phong tục thuần hậu quê mùa, yên phận làm ăn, không biết kiện tụng. Thời An Dương Vương, tuy được nỏ thần đánh lui quân Tần, nhưng khi quân Triệu đến đánh lại không giữ được bờ cõi. Nhà Triệu truyền ngôi được 100 năm, chính sự bất ổn, dân chúng lầm than, đến năm Tân Mùi (110 trước CN) thì bị nhà Hán đô hộ. Trưng Vương (năm 40-42 sau CN), đánh đuổi thái thú Tô Định hà khắc nhưng giữ ngôi chỉ được 3 năm, sau bị Mã Viện đem quân sang đánh. Nước Việt lại tiếp tục rơi vào ách thống trị của Đông Hán, xã hội Việt Nam loạn lạc, dân tình đói khổ, bất công chồng chất, mạnh được yếu thua. Tuy có nhiều cuộc khởi nghĩa, như Lý Nam Đế (Tiền, hậu Nam đế trên 40 năm), Mai Hắc Đế, Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Lê Đại Hành...nhưng không giành được độc lập lâu dài.
Đây là giai đoạn một ngàn năm Bắc thuộc, chưa có thiết chế tòa án nên chưa có khái niệm luật sư, chỉ có đẳng cấp thống trị tranh giành nhau quyền lợi, địa vị.
2. Thời kỳ độc lập và mở mang bờ cõi:
Đến triều đại nhà Lý, mở đầu thời kỳ độc lập và mở mang bờ cõi, bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống được tiếp tục phát huy, tuy ngàn năm Bắc thuộc nhưng không bị đồng hóa; thiết chế làng xã được chú trọng, thiết chế tòa án được hình thành và phát triển. Thời Hồng Đức đã có Bộ luật Hồng Đức. Năm Minh Đạo thứ nhất, Lý Thái Tông sai trung thư san định luật lệnh, chia ra môn loại, điều khoản làm thành bộ Hình thư gồm 3 cuốn. Sách ban hành xuống dân, dân tiện thi hành. Đến đây, phép xử án được rõ ràng cho nên đổi niên hiệu là Minh đạo, đúc tiền Minh đạo.
Năm 1076, Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt phá Tống, bình Chiêm, cho ra đời bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước ta: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm? Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư! Lời lẽ rất hùng hồn, khẳng định một chân lý hiển nhiên, một sự thật khách quan và cũng là lời hùng biện rất logich: sông núi nước Nam thì vua Nam (dân nước Nam) ở, đó là chân lý hiển nhiên, ai không phải dân nước Nam đến xâm phạm, thì đương nhiên sẽ bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, chuốc lấy thất bại, ô nhục.
Trong các triều đại Lý, Trần, nông nghiệp phát triển mạnh nên thường xảy ra kiện tụng về đất đai. Chẳng hạn, khi xét kiện tụng, Lý Thần Tông xuống chiếu rằng “những việc kiện tụng đã phân xử dưới các triều Tổ, Tông rồi thì không được đem bàn tâu lên nữa, làm trái thì bị tội” (Đại Việt sử ký toàn thư, tr.300). Tháng 12 năm Nhâm tuất (1142) Lý Anh Tông xuống chiếu “việc tranh chấp ruộng đất thì trong vòng 5 hay 10 năm còn được tâu kiện; ai có ruộng bỏ hoang bị người khác cày cấy trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận, quá hạn ấy thì cấm...” (Đai Việt sử ký toàn thư, tr.314).Từ triều đại nhà Lý, đến Trần, Lê, Nguyễn, việc kiện tụng của nhân dân được chú trọng, có ngục lại xét việc kiện tụng của dân gian, có người làm chứng (đôi khi kiêm biện hộ) cho người đi kiện hoặc người đi kiện tự biện hộ cho mình; thiết chế làng xã, hương ước được phát triển và chế định lại.
Trong giai đoạn này, dưới chế độ phong kiến, việc xét xử ở nước ta do vua quan phong kiến tiến hành nên không có nghề luật sư nhưng đã có thiết chế tòa án và hình thành các bộ luật hình từ triều Lý; có tranh chấp về quyền lợi và có giải quyết tranh chấp; các bên tranh chấp có quyền tự biện hộ hoặc nhờ người làm chứng kiêm luôn biện hộ. Những người biện hộ ấy hầu hết là bà con, xóm giềng với nhau; trong thực tế, chưa hình thành một nghề biện hộ. Nếu xét về về lời hùng biện thì bản “Tuyên ngôn độc lập” của Lý Thường Kiệt là lời hùng biện hùng hồn nhất, có chứng cứ rạch ròi và rất logich. Do đó, phải chăng tiền thân nghề luật sư ở Việt Nam manh nha từ triều Lý?
3. Thời kỳ Pháp thuộc:
Năm 1858, Rigault De Genouilly bắn phá vào cửa biển Đà nẳng, mở đầu thời kỳ xâm lăng của thực dân Pháp trên đất nước ta. Sau khi xâm lược Nam kỳ, ngày 26 tháng 11 năm 1876, toàn quyền Pháp ban hành Nghị định về việc biện hộ tại toà án cho người Pháp hoặc người Việt mang quốc tịch Pháp. Sau khi thiết lập bộ máy cai trị ở nước ta và toàn cõi Đông dương, thực dân Pháp chia ra 5 xứ để cai trị: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao miên. Toàn quyền Pháp ký Sắc lệnh thành lập Đoàn luật sư Sài Gòn và Hà Nội, gồm các luật sư đã tốt nghiệp trường Luật ở Pháp có quốc tịch Pháp. Tiếp đến sắc lệnh ngày 30 tháng 01 năm 1911, nhà cầm quyền Pháp đã mở rộng nghề luật sư không hạn chế chỉ ngưồi Pháp và người Việt mang quốc tịch Pháp, mà còn có cả người Việt mang quốc tịch Việt. Ngày 25 tháng 5 năm 1930, toàn quyền Pháp ký Sắc lệnh tổ chức Luật sư đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẳng. Sắc lệnh này lại mở rộng thêm cho các luật sư không chỉ biện hộ cho thân chủ có quốc tịch Pháp mà cho cả thân chủ không phải là quốc tịch Pháp; không chỉ biện hộ ở tòa án Pháp mà cả toà Nam án. Người Việt Nam đầu tiên làm luật sư là ông Phan Văn Trường, tốt nghiệp trường Đại học Luật ở Pháp và làm luật sư tại Paris .
Phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp (1936 -1939) đã đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ ở Pháp, lan rộng ra các nước thuộc địa của Pháp, sau đó mới có luật sư Việt Nam.
4. Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945:
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời; Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp. Ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức các Đoàn luật sư trong nước. Điều thứ 1 của Sắc lệnh ghi nhận: “Các tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ.. Sắc lệnh ngày 25 tháng 5 năm 1930 quy định những tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các điều sửa đổi sau này”. Những điều sửa đổi bao gồm: điều 5 (Sắc lệnh 25/5/1930) thay bằng điều 3 (Sắc lệnh 46/SL) với những quy định chặt chẽ để được liệt danh vào bảng luật sư tại Tòa Thượng thẩm Hà Nội hay Sài Gòn, đó là: có quốc tịch Việt Nam, không phân biệt nam, nữ; có bằng cử nhân luật; đã làm tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn phòng luật sư thực thụ trong nước; có hạnh kiểm tốt; được bằng chứng nhận đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sư thực thụ. Điều 4 của Sắc lệnh quy định về bầu Hội đồng luật sư, hoặc Ban luật sư thực thụ tùy theo địa hạt có mười văn phòng trở lên hay dưới mười văn phòng. Điều 5 của Sắc lệnh quy định những luật sư đã tập sự được mười tám tháng thì Hội đồng luật sư có thể cho phép tạm quản lý một văn phòng.
Có thể nói, Sắc lệnh số 46/SL là sắc lệnh đầu tiên về luật sư của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Cách mạng lâm thời và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chế định luật sư ở nước ta. Tuy nhiên, việc hành nghề luật sư theo Sắc lệnh số 46/SL chỉ hạn chế ở Tòa Thượng thẩm Sài Gòn và Hà Nội. Sắc lệnh số 163/SL ngày 23 tháng 2 năm 1946 về tổ chức các Tòa án binh cũng có quy định cho bị cáo có quyền nhờ luật sư bào chữa. Tiếp đến, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946, điều 67 ghi nhận: ”Các phiên tòa đều xét xử công khai, trừ trường hợp đặc biệt, người bị cáo có quyền bào chữa lấy hoặc mượn luật sư”. Nhưng hơn một tháng sau, ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ và kéo dài, hòa trong khí thế sôi sục của các tầng lớp dân cư khắp các miền Bắc, Trung, Nam cầm vũ khí chống giặc Pháp xâm lược, nhiều luật sư đã tham gia kháng chiến. Vì vậy, vai trò, vị trí của người luật sư Việt Nam không được thể hiện rõ nét trong giai đoạn này.
Đến năm 1949, để khôi phục lại tình trạng thiếu luật sư, Sắc lệnh số 69/SL ngày 18 tháng 6 năm 1949 được ban hành, quy định chế định bào chữa viên cho các bị cáo tại tòa án. Điều 1 của Sắc lệnh ghi rõ: “Từ nay đến khi nào có thể lệ khác, trước các tòa án thường và tòa án đặc biệt xử việc tiểu hình và đại hình, trừ tòa án binh tại mặt trận, bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bào chữa cho. Công dân do bị can đã tự chọn để bênh vực mình phải được ông Chánh án thừa nhận”. Cũng từ Sắc lệnh này, để mở rộng thêm quyền bào chữa, Điều 2 quy định: “Nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án có thể, tự mình hay theo lời yêu cầu của bị can, cử một người ra bào chữa cho bị can”. Ngày 22 tháng 12 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếp Sắc lệnh số 144/SL mở rộng cho người không phải là luật sư cũng được bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong các vụ án dân sự. Điều 1 Sắc lệnh số 144/SL sửa lại Điều 1 của Sắc lệnh số 69/SL như sau: “Từ nay, trước tòa án việc xử hộ và thương mại, trước các tòa án thường và tòa án đặc biệt xử việc tiểu hình, đại hình, trừ tòa án binh tại mặt trận, nguyên cáo, bị cáo và bị can có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho mình. Công dân đó phải được ông Chánh án thừa nhận”.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, Việt Nam bị chia cắt hai miền với hai chế độ khác nhau: miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam còn trong vòng kiềm tỏa của đế quốc Mỹ. Ở miền Bắc, ngày 31 tháng 12 năm 1958, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Hiến pháp thứ hai), trong đó điều 101 quy định: “Việc xét xử tại các Tòa án nhân dân đều công khai, trừ trường hợp đặc biệt do luật định. Quyền bào chữa của bị cáo được đảm bảo”.
Ở miền Nam, trường Đại học Luật khoa Huế, Sài Gòn đào tạo nhiều cử nhân Luật, một số sinh viên tốt nghiệp cử nhân Luật được đào tạo Luật sư và đã hành nghề. Trong các tòa Vi cảnh, tòa Sơ thẩm, tòa Đại hình, tòa Thượng thẩm đều có công tố viện và có luật sư tranh luận, bào chữa bảo vệ thân chủ. Luật sư có quyền tham gia trong giai đoạn điều tra, giai đoạn tranh tụng trước tòa. Chẳng hạn, trong giai đoạn điều tra sơ vấn, “nếu nghi can yêu cầu được một hay nhiều luật sư dự kiến, cơ quan điều tra phải báo thị bằng mọi cách, kể cả bằng điện thoại cho luật sư biết trước hai giờ để đến dự kiến...” (Điều 40 Bộ Hình sự tố tụng 1972 ban hành theo Sắc luật số 027-TT/SLu ngày 20 tháng 12 năm 1972 của chính quyền Sài Gòn). Cuộc chấp cung sẽ thi hành trước sự hiện diện của luật sư, trừ trường hợp nghi can từ chối có luật sư; sự từ chối này được ghi vào biên bản hỏi cung. Tại Tòa Sơ thẩm tiểu hình, giám định viên có thể hỏi bị can hoặc các bên đương tụng đều có sự hiện diện của dự thẩm và luật sư, trừ trường hợp đặc biệt.Tại Tòa Thượng thẩm, cuộc tranh luận giữa chưởng lý và luật sư của các đương sự được diễn tiến. Sau khi cuộc tranh luận chấm dứt, Phòng Luận tội sẽ nghị án, ngoài sự hiện diện của chưởng lý, các đương sự, luật sư và lục sự (Điều 203, 204 Bộ Luật Hình sự tố tụng 1972)...
5. Thời kỳ sau khi thống nhất đất nước:
Năm 1975, chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, đất nước thống nhất, nghề luật sư Việt Nam tuy bước đầu chưa tổ chức lại nhưng đến ngày 18 tháng 12 năm 1980, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua; quyền tự do dân chủ của công dân được khẳng định trong Hiến pháp, trong đó có điều 133 ghi nhận: “Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp do luật định. Quyền bào chữa được bảo đảm.Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị can, bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”. Vì vậy, trong khi chưa có Pháp lệnh về luật sư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ Tư pháp, ngày 30 tháng 4 năm 1984 đã ra Quyết định về tổ chức thành lập Đoàn luật sư Hà Nội. Ngày 18 tháng 12 năm 1987, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Tổ chức Luật sư gồm 6 chương, 25 điều, trong đó quy định thành lập các đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xác định Đoàn luật sư là tổ chức nghề nghiệp của luật sư; điều kiện gia nhập Đoàn luật sư; các hình thức giúp đỡ pháp lý của luật sư; quyền và nghĩa vụ của luật sư; thù lao của luật sư, quỹ Đoàn luật sư...Pháp lệnh này là một bước ngoặt quan trọng trong việc tổ chức luật sư phù hợp giai đoạn phát triển kinh tế nhiều thành phần, đổi mới đất nước. Hơn một năm sau, ngày 21 tháng 2 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 15/HĐBT ban hành Quy chế Đoàn luật sư. Bản Quy chế Đoàn luật sư gồm 6 chương, 46 điều, trong đó, điều 1 ghi rõ: “Đoàn Luật sư được thành lập để giúp công dân và các tổ chức về mặt pháp lý theo quy định của Hiến pháp (...). Đoàn Luật sư có nhiệm vụ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và các tổ chức, bảo vệ pháp chế và chế độ xã hội chủ nghĩa”. Nổi bật trong bản Quy chế này là xác định mối quan hệ giữa Đoàn Luật sư với Bộ Tư pháp và các cơ quan nhà nước, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội khác (Chương VI).
Ngày 15 tháng 4 năm 1992, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền bào chữa của luật sư được khẳng định. Điều 132: “...Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Ngày 25 tháng 7 năm 2001, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh số 37/2001/PL-UBTVQH10. Nội dung Pháp lệnh nổi bật một số điểm quan trọng, trong đó có điều 8 điểm d quy định: không phải là cán bộ, công chức theo quy định pháp luật về cán bộ công chức. Như vậy, cán bộ công chức không được gia nhập các đoàn luật sư, khác với Pháp lệnh năm 1987: chỉ có những người đang công tác tại các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp chế không được gia nhập Đoàn luật sư, trừ những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về pháp lý tại các viện nghiên cứu và các trường thuộc các cơ quan đó. Điểm nổi bật khác: luật sư là người có trình độ đại học Luật và tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam hoặc nước ngoài được pháp luật Việt Nam công nhận; xác định Đoàn luật sư là tổ chức nghề nghiệp của các luật sư, còn tổ chức hành nghề luật sư là Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh; trong phạm vi toàn quốc sẽ có một tổ chức luật sư do Chính phủ quy định, kết hợp chặt chẽ việc quản lý của nhà nước với việc tư quản của tổ chức luật sư.
Ngày 12 tháng 12 năm 2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư, gồm 8 chương, 43 điều, nêu rõ về điều kiện hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, thù lao luật sư, Đoàn luật sư, quản lý hành ghề luật sư, xử lý vi phạm hành nghề luật sư và việc chuyển tiếp đối với luật sư, Đoàn luật sư (Điều 1).
Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội ban hành Luật luật sư gồm 9 chương 94 điều quy định về nguyên tắc, điều kiện, pham vi, hình thức hành nghề, tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, quản lý hành nghề luật sư, hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam...Luật luật sư được mở rộng hơn, đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử phát triển nghề luật sư. Luật đã thống nhất điều chỉnh thị trường dịch vụ pháp lý, đã thừa nhận nghề luật sư là một nghề luật mang tính chất dịch vụ trong và ngoài tòa án; nó gắn liền với số phận con người, có tính nhân bản sâu sắc và có tính quốc tế. Ngay cả phạm vi tham gia đoàn luật sư cũng được đổi mới, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho luật sư khẳng định lại mình là mắt xích quan trọng trong hệ thống thực thi pháp luật và trong hệ thống thương mại đa phương.
II/ Thực trạng nghề luật sư Việt Nam và triển vọng phát triển:
1. Thực trạng:
Trải qua một thời gian dài, kể từ khi Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh luật sư năm 1987 đến trước năm 2001, tuy có nhiều văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức, củng cố nghề luật sư phù hợp với cơ chế thị trường và đổi mới đất nước, nhưng nghề luật sư mới chỉ xem như nghề tay trái của một số cán bộ công chức trong các cơ quan pháp luật và cơ quan nhà nước khác. Giai đoạn này, nghề luật sư VIệt Nam chưa được xem là nghề chuyên nghiệp nên phát triển chưa mạnh, chưa tạo được uy tín trong nhân dân. Một số cơ quan tố tụng còn gây khó cho luật sư nên chỉ có khoảng 20 phần trăm vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư; ngay cả trong các phiên tòa, vai trò của luật sư chưa được xem trọng, chỉ chiếu lệ cho đủ hình thức xét xử.
Trong 14 năm Pháp lệnh luật sư đi vào cuộc sống, cả nước mới chỉ có chưa tới 2.000 luật sư, chủ yếu là ở các thành phố lớn. Khu vực nông thôn rộng lớn hầu như không có luật sư. Chất lượng luật sư chưa cao vì chưa được chuyên môn hóa và chưa qua đào tạo nghề luật sư. Do đó, luật sư Việt Nam chưa có chỗ đứng quan trọng trong hệ thống thực thi pháp luật, trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung; chưa tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tính quốc tế chưa cao...
Pháp lệnh luật sư năm 2001 ra đời mang một sứ mệnh lịch sử mới, tạo bước ngoặt quan trọng trong việc chuyên nghiệp hóa nghề luật sư Việt Nam, nâng tầm nghề lên phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường. Hai thay đổi cơ bản so với giai đoạn trước, đó là: hình thành các tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp và không cho phép cán bộ công chức kiêm nhiệm trong hoạt động luật sư. Ngoài ra còn có những thay đổi pháp lý khác có tác động tích cực đến chuyên nghiệp hóa nghề luật sư. Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh, diện mạo luật sư Việt Nam có nhiều thay đổi; gần 1.200 tổ chức hành nghề luật sư hoạt động, tạo thành một mạng lưới quan trọng trong hệ thống thực thi pháp luật. Đến đây, số lượng và chất lượng luật sư được nâng cao, hình thành một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp với hơn 4.000 luật sư đủ tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh.
Luật luật sư ra đời năm 2006, chức năng xã hội của luật sư đã tỏ rõ hơn: luật sư có vai trò quan trọng trong cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, góp phần bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoặc ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, góp phần tạo nên các giá trị xã hội. Nó thúc đẩy tính chuyên nghiệp cao hơn bởi những thay đổi về thể chế mà Luật luật sư tạo ra. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn cả về số lượng và chất lượng luât sư.
Họat động luật sư trong thời gian qua không những góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác, mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu giúp đỡ pháp lý ngày càng cao, góp phần tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tạo niềm tin cho các họat động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, họat động hành nghể luật sư vẫn còn bộc lộ một số hạn chế sau:
- Số lượng luật sư Việt Nam có khoảng 6.000 người, trong đó gần 2000 luật sư tập sự; bình quân hơn 2 vạn dân mới có một luật sư. Phát triển luật sư phân bổ không đều, chủ yếu ở khu vực đô thị, đặc biệt là tập trung ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ chí Minh. Nhìn tổng thể, số lượng luật sư Việt Nam còn ít ỏi so với nhiều nước trên thế giới và khu vực:
Singapore : 01 luật sư trên 1.000 dân;
Thái Lan: 01 luật sư trên 1.156 dân;
Nhật bản: 01 luật sư trên 4.500 dân;
Mỹ: 01 luật sư trên 250 dân.
- Chất lượng luật sư tiếp tục được nâng cao qua đào tạo và thực tế kinh nghiệm hành nghề, tương đối phù hợp với sự phát triển xã hội. Nhưng nhìn chung, chất lượng vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế gần đây cho thấy, do năng lực còn yếu, kinh nghiệm và hiểu biết về quốc tế chưa nhiều, nên có những giao dịch, kiện tụng ở nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài luật sư chúng ta còn lúng túng.
- Việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của luật sư đây đó vẫn chưa trở thành ý thức tự giác trong hành nghề và trong cuộc sống của một số luật sư. Trong quản lý hành nghề luật sư, vẫn còn tình trạng thiếu tập trung, thiếu thống nhất...
2. Triển vọng:
Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển với tốc độ nhanh, đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều. Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới và đang từng bước hội nhập với thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp lý. Luật đầu tư năm 2005 ra đời, chúng ta đã thực hiện một cải cách có tính chất cách mạng: thống nhất thủ tục đầu tư và các biện pháp bảo đảm bổ sung với những ưu đãi chung cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, với sự gia nhập của Việt Nam vào tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã và đang thực hiện mục tiêu mở rộng quyền tự do đầu tư trong nước và nước ngoài, thiết lập hành lang pháp luật về đầu tư phù hợp với cam kết quốc tế....Qua đó, luật sư Việt Nam được làm quen với các lọai hình giao dịch của nền kinh tế thị trường, làm quen với quá trình chuyển giao công nghệ của các luật sư nước ngoài. Nhiều công ty luật, nhiều văn phòng luật sư sẽ tiếp tục ra đời, sẽ có nhiều triển vọng làm chủ trong những giao dịch lớn có yếu tố nước ngoài, đòi hỏi mức độ chuyên nghiệp cao. Hiện nay và trong tương lai, các luật sư kinh doanh Việt Nam có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với các công ty luật nước ngoài ở những giao dịch quan trọng.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và dân chủ hóa, các phản ứng và mâu thuẩn giữa các cơ quan nhà nước, các thiết chế xã hội với công dân, tổ chức... ngày càng được bộc lộ và được pháp luật bảo vệ. Do đó, các khiếu kiện nói chung càng ngày càng được phát triển mạnh mẽ, đa dạng và trên mọi lĩnh vực xã hội. Tham gia vào quá trình giải quyết khiếu kiện, có nhiều chủ thể khác nhau (chủ thể tiến hành và chủ thể tham gia), trong đó, vai trò của luật sư ngày càng được đề cao.
Với những thuận lợi trên, luật sư Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng để “góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
III/ Kết Luận:
Lịch sử nghề luật sư Việt Nam tuy manh nha từ triều đại nhà Lý, khi có bộ luật Hồng Đức và Hình thư, phép xử án được rõ ràng; có những kiện tụng về ruộng đất nên trong xét xử tranh chấp ruộng đất thường có người làm chứng kiêm biện hộ hay tự mình biện hộ. Nhưng mãi đến năm 1930, toàn quyền Pháp ký Sắc lệnh tổ chức Luật sư đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẳng mới có một số rất ít luật sư Việt Nam mang quốc tịch Việt Nam hành nghề. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 10 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về tổ chức các Đoàn luật sư trong nước, họat động nghề luật sư Việt nam mới có định hướng họat động trong bước khởi đầu. Sau khi thống nhất đất nước, Pháp lệnh năm 1987 ra đời là luồng gió mới thổi vào họat động nghề luật sư Việt Nam trong bối cảnh bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện cơ chế thị trường. Luật luật sư năm 2006 đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư Việt Nam phát triển theo chiều hướng tích cực hơn, kể cả số lượng và chất lượng.
Để nghề luật sư Việt Nam được phát triển bền vững, thực hiện được trọng trách của mình, tạo được niềm tin trong nhân dân và thanh danh nghề nghiệp, tôi xin nêu một số kiến nghị sau đây:
1. Về số lượng:
- Cần điều tra để nắm rõ số lượng tốt nghiệp cử nhân luật trong nhiều năm nay, kể cả trước năm 1975; điều tra cập nhật sinh viên đang học cử nhân luật và học sinh lớp cuối cấp có nguyện vọng vào đại học luật...để biết được nguồn cung ứng cho việc đào tạo luật sư trong từng giai đọan 5 năm và lâu dài.
- Cần có kế hoạch đào tạo luật sư rộng hơn, có sự phân bổ cho từng tỉnh, từng vùng; chú ý đến các vùng đang có chiều hướng phát triển kinh tế mạnh, các khu vực đầu tư nước ngòai.
- Cần tiếp tục tuyên truyền Luật luật sư rộng rãi hơn, nhiều thời gian hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi họp dân ở ấp, khu phố.
2. Về chất lượng:
- Cần nâng cao nghiệp vụ:
Luật sư không phải chỉ biết nghiệp vụ trong phạm vi nghề nghiệp mà phải hiểu biết rộng, thậm chí phải sâu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, để qua họat động của mình, góp phần phát triển đất nước. Do đó, luật sư không ngừng học tập, nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt....
- Cần nghiên cứu về Luật của các nước:
Để không ngừng góp phần bổ sung, hòan thiện kiến thức của mình thích ứng với các điều kiện xã hội và nghề nghiệp, luật sư luôn luôn nghiên cứu văn hóa và kinh tế - xã hội của các nước qua các tư liệu trong nước hoặc ngoài nước. Luật sư cần nghiên cứu luật của các nước, nghề luật sư của các nước và sự tương thích trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là văn hóa của nước họ. Từ đó, nâng cao kiến thức nghề nghiệp của mình, nâng cao chất lượng hội nhập nghề nghiệp;
- Chất lượng của luật sư còn thể hiện ở sự rèn luyện, nâng cao văn hóa ứng xử trong họat động nghề nghiệp, rèn luyện ngọai ngữ. Luật sư luôn luôn giữ gìn phẩm giá, uy tín nghề nghiệp và lối sống; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý.