.
Một thoáng Mỹ Sơn
Thơ: Phạm Hòa Việt
Một thoáng Mỹ Sơn
Đang truy cập :
5
Hôm nay :
19
Tháng hiện tại
: 3643
Tổng lượt truy cập : 679676
Thơ: Phạm Hòa Việt
Một thoáng Mỹ Sơn
Ta viết cho người Chàm dòng thơ bất diệt
Khi máu dâng lên từ khối óc con tim
Bởi Thánh địa Mỹ Sơn thức dậy
Bởi người Chàm e ấp bóng sông Linh…
Hởi những người Chàm lặng im trong thành phố
Có bao giờ biết đến đóm ma trơi…
Đêm chưa thức người trở về chân núi
Nghe đâu đây mấy điệu hát dân Hời…
Người có nhớ nàng Mỵ Ê kiêu dũng!
Chế Bồng Nga vung thước kiếm anh hùng!
Người có nhớ những lần vương xuất trận
Ngọn cờ bay theo lớp áo phiên ngung…
Rồi một sáng chuyến hành quân tan tác
Lớp người xa vó ngựa lạc sương mù
Một thái tử nằm im ngoài trận mạc
Những lá vàng bay nối tiếp mùa thu…
Bởi mùa xuân lung lay vầng trăng muộn
Bởi trần gian là ngọn tháp chơ vơ
Bởi một khi Chế Bồng Nga nằm xuống
Là thành đô một thuở dưới đêm mờ…
Hởi những người Chàm còn lại
Hãy nguyện cầu theo nhịp mõ Coran
Có nước mắt thì xóa tan thù hận
Có miếng cơm thì đắp kín xương tàn…
Đêm mùa thu cũng là đêm huyền diệu
Trăng tràn đầy trên mồ vắng bao la
Hồn sông núi trở về nơi chiến địa
Ngàn voi thiêng đùa giỡn với hồn ma
Giữa không gian tiếng nhạc vàng rung động
Ta ngất ngây nghe dĩ vãng vọng về
Nào Chiêm nữ uốn mình theo lớp sóng
Nào quân vương và sắc máu Mỵ Ê…
Ta muốn băng rừng trèo non lội suối
Để dấn thân vào cuộc sống lưu đày
Đâu hạt nắng phủ dày chân ngựa bạc
Đâu rượu nồng lê gót dáng heo may !…
Đâu con thác cuốn trôi người dũng sỹ
Đâu Tháp Chàm thánh địa phủ rêu xanh
Xin trả lại trên môi người góa phụ
Bóng thời gian dạo gót ngọc quanh thành…
Ta muốn thấy
Từ hư vô trong thực tại
Đôi mắt Chiêm nương mở ngõ đón thu vào
Rồi lắng nghe nổi ân tình họ Chế
“Cuối trời xa trơ trọi một vì sao”…
Ta viết cho người Chàm dòng thơ bất diệt
Những người Chàm sinh sống lưng đồi
Những người Chàm – thành Đồ Bàn vọng nguyệt
Những người Chàm đang hòa nhập xa xôi…
Hởi những người Chàm còn lại
Trên quê hương xưa máu đã nguội rồi
Còn đền tháp, còn dòng sông chung tổ quốc
Thì vẫn còn tiếng hát khắp nơi nơi…
Vẫn còn lại mùa thu trên sắc áo
Khi mùa xuân xưa hòa quyện trăng tà
Vẫn còn lại Yaya một dòng họ cũ
Trong bốn dòng Trà, Chế, Ôn, Ma…
Hởi những người Chàm còn lại…
Hởi Chiêm nương, điệu múa ngàn năm
Đêm huyền diệu sóng tình ấp ủ mãi
Nghe đâu đây trẩy hội trăng rằm…
Phạm Hòa Việt
17 Comments
Kính anh!
Kính chúc anh một buổi sáng thứ bảy an lành
LĐ nhận tập thơ biếu của anh mấy tuần rồi
Xin kính ơn anh nhiều
Đọc bài thơ “Một thoáng Mỹ Sơn”
Với suy gẫm và hoài niệm
Thơ như một bản trường ca khóc lệ
Cọng nghiệp!
Câu chuyện lịch sử
Kẻ hậu sinh khó luận bàn
Bài thơ nói hết nỗi niềm
Xin cảm ơn anh
LĐ
Cám ơn Lê Đàn đã có cảm nhận về ‘Một thoáng Mỹ Sơn”. Lịch sử hình thành thánh địa Mỹ Sơn trãi dài từ TK thứ 4, đến nay KIẾN TRÚC vẫn còn gần như nguyên vẹn. Những nét trùng tu mới không thể hòa vào chất liệu và kiến trúc của người Chàm xưa.
CHÚC LÊ ĐÀN CÓ NHIỀU NIỀM VUI MỚI…
Kính thưa cậu!
Được biết khi ra Đà nẵng công chuyện cậu đã ghé thăm Mỹ Sơn, từ đó gây cảm hứng và “Một thoáng Mỹ Sơn” ra đời. Đây là thánh địa của dân tộc Chămpa. Đến đây ta như lạc vào thế giới của người Chiêm thành ngày xưa.
Bài thơ của cậu khiến cháu liên tưởng đến tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên.
Chúc cậu khỏe có thêm sáng tác mới.
Đúng là khi đến Mỹ Sơn, chúng ta như lạc vào thế giới người Chăm. Những dấu tích nơi đây biểu hiện một quá khứ vàng son của các hoàng tộc thời xa xưa mà lại tưởng như đang hiện hữu các chiêm nương thấp thoáng đâu đây…
Chúc Thanh Bá vui khỏe.
Siêu quá !
Một bài thơ lạ. Hay.
Đọc thì được mà không biết phải comment sao đây.
Chúc anh PHV vui khoẻ.
HẢO.
Chào anh Việt!
Lịch sử Chiêm thành đã được anh Việt tóm tắt qua 60 câu trong bài MỘT THOÁNG MỸ SƠN.
Cám ơn anh đã cho BH hiểu thêm về nàng Mỵ Ê cũng như những dòng họ của người Chăm mà BH chưa được biết qua.
Chúc anh vui và rất mong sẽ còn đọc thêm những bài viết thú vị từ anh.
Thân ái.
BH.
Cảm ơn hai bạn Bích Hà và Nguyễn Thị Hảo có những cảm nhận về “Một thoáng Mỹ Sơn”. Chúc hai bạn vui khỏe và đẹp mãi…
Những hình ảnh BH đưa vào minh họa cho bài thơ thật ý nghĩa, đầy đủ và rất đẹp. Cám ơn BH.
Kính chào anh!
Đọc bài thơ “Một thoáng Mỹ Sơn” và được xem những cảnh của Mỹ Sơn thật đẹp, là thánh địa của dân tộc Chàm đẹp hí.
Anh PHV ơi !
Đọc những vần thơ sao em thấy nhiều MA quá vậy ?
Nào là …ma trơi…ma hời…!
Hởi những người Chàm lặng im trong thành phố
Có bao giờ biết đến đóm ma trơi…
Đêm chưa thức người trở về chân núi
Nghe đâu đây mấy điệu hát dân Hời…
Chắc là Anh đã thấy ma rồi, nên mới có những vần thơ trên, thật hay.
Anh đã ghé thăm Mỹ Sơn. ( anh có sợ ma không ? )
Hù hù… Anh Việt ơi …ơi…! ( sau lưng Anh có ai vỗ vai kìa…hù…hù…)
Chúc anh khỏe có thêm sáng tác mới.
ĐN.
Anh cảm thấy ớn lạnh khi nói đến ma. Anh viết bài này trong đêm thanh vắng nên đã thấy các chiêm nương hiện về. Hồi nhỏ nghe người lớn nói đến ma Hời nên tưởng tượng ra thôi. Chúc ĐN an vui…
Ko biet luc luc xua anh PHV co nho nguoi thuong hay cham (?) ra cho dongha ban vong tay va vai.. Mot lan qua duong ho cu moi vao de banneu kong mua se bi thoi mien… Con nit thoi do so ho la lung bay gio nho lai ma buon cuoi nhi… Nguoi VN minh co su khac biet nhieu voi nguoi thieu so kong biet bay gio co thay doi nhieu khong?.
Cac ban co ai nho lai may nguoi cham thuong thuong ngoi ban gan nha Thai van Dung ngay xua xin ke lai.
NT
Toàn nhắc BH mới nhớ. Hồi đó thỉnh thoảng có một số người Chăm ra ĐH bán dạo vòng đeo tay , bông tai…. Họ đi từng đoàn rất đông thường tụ tập từ nhà chú Chiên lên tới nhà bạn TVD. Mỗi lần thấy người qua lại họ đều níu kéo. Lúc đó BH còn học Tiểu học ở gần Bệnh xá, có 1 lần đi học ngang qua vì tò mò nên đứng lại nhìn bị họ kéo tay các bạn BH nói BH bị họ “thư” rồi. BH sợ quá nghĩ mình sắp chết đến nơi,về nhà tối đó không ngủ được BH thưa chuyện với ba mẹ rằng con sắp chết rồi làm cả nhà phì cười giải thích, BH mới hết sợ.
Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười quá!
Sau này BH có quen 1 gia đình người Chăm họ đi làm ăn với nhau sống với nhau nhưng anh con trai buồn và than thở với BH rằng chị không chịu cưới anh. Thì ra người Chăm theo chế độ mẫu hệ.
Cám ơn bạn Toàn đã cho BH nhớ lại 1 chuyện cũ rất ngây ngô và dễ thương.
Chào anh Phạm Hòa Việt!
Ở trường + ốm, sáng nay mới vào ngôi nhà chung thân thương Truongdongha.com, đọc “Một thoáng Mỹ Sơn” của anh.
Cảm ơn anh đã cho Trực cảm quan về thánh địa Mỹ Sơn bằng bút lực dồi dào qua áng thơ được kết cấu 15 khổ với 60 câu.
Anh đã bỏ công như vậy thì nhân đây Trực cũng không ngần ngại cung cấp thông tin về địa danh cho phe ta ai chưa biết thì xem qua cho vui.
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa năm 1999. Thánh địa Mỹ Sơn được ví như những tòa tháp cổ của người Champa, là nơi có không gian lý tưởng cho một trung tâm đậm đà bản sắc tôn giáo Chăm Pa mang trong mình vẻ đẹp của một nền văn minh đã mất.
Qua đoạn đường nhỏ với hàng cây cao, thẳng tắp đầy lãng mạn, bạn sẻ bước chân vào một thế giới khác .Khi đứng trước những di tích còn lại của nền văn hóa Champa, bạn như quên đi cuộc sống ngược xuôi của thực tại mà mơ tưởng về một thời kỳ hùng mạnh của xứ sở Champa. Những cụm tháp nhỏ, với một tòa tháp chính ở giữa, nhiều tháp phụ bao bọc xung quanh như một sự tôn vinh về quyền lực và đoàn tụ về tổ chức, những gì còn lại nơi đây thật đầy hoài niệm !
Nghệ thuật kiến trúc đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Thánh địa có một tháp chính (Kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh. Những đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng bằng gạch đỏ, không vôi phủ ngoài, giữa các viên gạch không có mạch hồ. Các đền tháp đều có hình tứ giác. Mái tháp được cấu trúc theo nhiều tầng tháp chồng lên nhau, trên đặc dưới rỗng, càng lên cao càng nhỏ dần tạo dáng cao vút. Mặt ngoài cửa các tháp mang những đường nét và đường cong mô tả hình người, hình động vật, cỏ cây hoa lá với nhiều dáng vẻ khác nhau rất sinh động và uyển chuyển.
Trong những ngôi đền tháp chính thường thờ một bộ Linga, tượng trung cho thần Siva, đấng hủy diệt tạo dựng vũ trụ. Nhưng cũng có khi thờ hình tượng của thần dưới dạng một người đàn ông. Các đền miếu nhỏ thờ các vị thần như thần Sấm, sét, Indra, thần mặt trời Surya, thần chiến tranh Skanda…
Những phù điêu, tượng đá tại đây thể hiện phần nào tín ngưỡng và khát vọng của người Chăm. Đó là chưa kể đến hàng trăm tấm bia đá khắc đầy ký tự cổ là những tư liệu khảo cổ vô cùng quý giá. Không quá hùng vĩ như các đền Ankor (Campuchia), cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi làn sóng du lịch như đô thị cổ Hội An nhưng Mỹ Sơn vẫn cuốn hút được nhiều du khách bởi nét trầm mặc rất riêng của mình. Trong từng viên gạch, từng tấm phù điêu vũ nữ đang say múa, từng ngôi tháp cổ đổ nát… tất cả như đang kể cho khách phương xa những câu chuyện về một thời kỳ rực rỡ đã qua.
Hàng ngàn năm trôi qua mà vẫn không làm phai được sắc đỏ thắm của viên gạch nơi tháp cổ. Ẩn đằng sau những ngôi tháp trầm mặc trong ánh chiều tà kia là một kỹ thuật xây dựng bí ẩn, nhuốm màu huyễn hoặc. Có nhiều giả thiết về chất kết dính giữa các viên gạch trên tháp Chăm nhưng vẫn chưa có được câu trả lời. Có người còn cho rằng những nghệ nhân Chăm xưa kia đã chất đất sét thành hình những tòa tháp rồi mới nổi lửa nung. Thậm chí, người dân vùng này còn nói rằng dưới chân những tòa tháp có những “bộ rễ” bằng gạch để hút tinh khí trong lòng đất mẹ nuôi thân tháp. Nếu chặt đứt “bộ rễ”, tháp sẽ “chết khô” như một loài cây… Có phải vì những màu sắc huyễn hoặc này mà những ngôi tháp Chăm kia mãi mãi có một sức hút thật khó cưỡng lại với những ai đã từng du lịch một lần đến Mỹ Sơn. Thật và ảo, vàng son và đổ nát…, tất cả đã làm nên một tình yêu đắm say với Mỹ Sơn trong lòng du khách khi lạc bước vào thung lũng này.
Cách thành phố Đà nẵng khoảng 65 km về phía nam, cách tỉnh Quảng Nam hơn 60 km về phía bắc, đến Thánh địa Mỹ Sơn bằng xe máy mất khoảng tiếng rưỡi. Giữa thung lũng bao la trong lành, địa danh Mỹ Sơn là một phức hệ gồm nhiều ngọn tháp hợp thành, sừng sững vươn cao nơi núi rừng.
Mỹ Sơn trước đây là một “cấm địa”, là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chămpa cũng là nơi chôn cất các vị vua. Theo lời của hướng dẫn viên thì, chỉ có những người có chức sắc mới được vào nơi đây để thực hiện các nghi thức trang trọng.
Trong hệ thống đền đài, nhóm B tiêu biểu cho phức hệ đền tháp Ấn Độ giáo gồm: đền chính, các đền phụ, các đền nhỏ và các công trình phục vụ tế lễ. Đây là địa điểm đầu tiên, mà du khách thường đặt chân khi đến với Mỹ Sơn.
Theo hướng dẫn của ban quản lý di tích, ngôi đền chính B1 là nơi thờ linga của Bahadresvara/Srisanabahadresvara, ngôi đền phụ B3 (thế kỷ 10) tiêu biểu cho kiến trúc Champa với bố cục mặt bằng hình vuông, mái tháp ba tầng, tường tháp trang trí hình ảnh chư thiên (deva) hộ trì cho ngôi đền.
Ngôi đền phụ B4 (cuối thế kỷ thứ 9), thuộc phong cách Đông Dương, tường tháp có chạm hoa văn tiêu biểu. Trong khu vực nhóm B có hai pho tượng của thần Skanda và Ganesa là 2 con trai của thần Siva và nữ thần Parvati, có thể từng được thờ trong đền B3 và B4.
Tháp lửa B5 nằm ở phía nam, cửa mở về hướng bắc – hướng của thần Tài Lộc Kuvera, cửa sổ mở hai phía đông tây, phía trên có phù điêu voi đực và vòi cái, tượng trưng cho cho Nữ thần Gaja-Laskami sắc đẹp và giàu có. Đây là nơi cất giữ đồ tế lễ hoặc cất giữ ngọn lửa thiêng.
Ngoài ra, tại thánh địa Mỹ Sơn hiện có còn nhiều cột đá nằm ngổn ngang cạnh các ngọn tháp. Đây được cho là vết tích của một ngôi đền được xây dựng bằng đá (có thông tin nói cao nhất khu vực Thánh địa).
Ra về, câu chuyện bí quyết làm gạch xây tháp bền bỉ với thời gian cứ vương vấn trong đầu tôi. Nhiều phượt thủ khác cũng thế, họ cũng hỏi nhau, người Chăm có bí quyết làm gạch xây tháp như thế nào để từng ngọn tháp vẫn đứng vững dù thời gian “công phá” mãnh liệt.
Được nghe những câu chuyện lịch sử kỳ bí, biết thêm về sinh hoạt tâm linh của người Chăm cổ, lại được thỏa sức chụp hình trong một không gian hoài cổ đầy rêu phong, với tôi, chuyến phượt đầu năm như vậy đã là trọn vẹn. Bỗng thấy thật thiếu sót nếu lỡ bỏ qua Mỹ Sơn…
Thánh địa Mỹ Sơn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, độc đáo, có giá trị văn hóa của một dân tộc, là những chứng tích sống động, xác thực lịch sử của một trong những nền văn hóa trong cộng đồng văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Có đến thung lũng này vào buổi hoàng hôn mới thấy được hết vẻ đẹp của phế tích Mỹ Sơn. Những ngôi tháp cổ bỗng chốc trở nên lung linh, huyền ảo trong nắng chiều và dường như các nàng vũ nữ Apsara lại tiếp tục vũ điệu ngàn năm của mình. Tiếng gió rì rào qua núi như bỗng trở thành nhịp trống baranưng bập bùng càng làm vũ điệu Chămpa thêm say lòng người!
Chúc anh luôn khỏe và vui vẻ anh nhé!
Thân ái
NĐT
Cám ơn NĐT có những thông tin chi tiết về thánh địa Mỹ Sơn. Người đọc chắc chắn có những cảm nhận mới về văn minh người Chàm qua các triều đại với những kiến trúc độc đáo riêng song vẫn hòa quyện trong kiến trúc Ấn Độ -một trong 4 nền văn minh lớn đầu tiên của nhân loại. Chúc NĐT vui khỏe, có nhiều sáng tác mới.
Chào Toàn thân thương!
Mình nhớ năm 1973; dọc hai bên đường |(mình quên tên) tại thành phố Đà Nãng, một số người dân tộc thiểu số bán thuốc chửa bệnh, có một người, thắy mình đi ngang qua bèn vẫy gọi mời mình ngồi xuống, ông ta nhìn mặt chẩn bệnh, rồi bảo mình mua thuốc. Mình chẳng tin mà từ chối cũng khó, nên đành nói không mang tiền theo, để về nhà lấy và phải chiều mới đến mua. Ông ta chấp nhận nhưng có câu hăm he nếu không đến thì sẽ gặp nguy hiểm. Mình cứ dạ bừa rồi đi thẳng, bởi mình nghĩ làm gì có chuyện thư hay ểm bùa chú…
Những năm tiểu học, mình ở Ba Xuyên, thành phố Sóc Trăng. Ngay cạnh nhà là gia đình người Khờ-me, hai vợ chồng chỉ có 1 cô con gái rất hiền từ. Họ sống đàng hoàng lắm.
Thôi, mình bận khách
Chào bạn nhé
Chào PHV
Đã lâu quá bạn ít liên lạc với mình thế ?Có điều gì không phải sao,còn mình bị mất máy nên mất số bạn rồi nên chịu.
Nếu có gì không phải bỏ qua cho mình nhé,mình chỉ đoán thế thôi chứ không nghĩ ra điều gì cả
Bài thơ của Việt dài nhưng lại hay,mình đọc và thấy hiện ra một dòng lịch sử và cả khung cảnh của Thánh địa Mỷ Sơn
Một bài thơ rất có giá trị đích thực
Có lẽ tháng hai âm lịch năm tới mình đi Sài gòn,chắc chắn sẽ ghé bạn
Chúc bạn và gia đình mùa Giáng Sinh an vui,hạnh phúc
Mình cũng mất điện thoại hôm ra Đà Nẳng nên không liên lạc với ai được. May có một số bạn bè đt cho mình nên xin thêm số của các bạn để liên lạc. Bạn bè lâu ngày mới gặp lại nhau mừng không hết chứ có gì mà khúc mắc. Chúc bạn vui khỏe, có nhiều bài viết mới. Tình thân…